Chuẩn Bị Những Gì Trước Khi Đề Nghị Tăng Lương?

|

Có lẽ đã vài lần bạn muốn hỏi tăng lương và cảm thấy rất khó khăn để bắt đầu đúng không? Mình cũng đã từng có trải nghiệm như vậy và mỗi lần cần trao đổi mình đều cảm thấy rất lo lắng. Đặc biệt cảm giác không biết cuộc trò chuyện sẽ diễn ra như thế nào, sếp sẽ nói gì, HR sẽ phản ứng ra sao…

Bài hôm nay mình sẽ viết về kinh nghiệm của tụi mình với việc đàm phán tăng lương. Làm thế nào để hiểu giá trị của bản thân, nhận được mức lương xứng đáng và khéo léo giúp mong muốn của bạn trở thành hiện thực. Bạn hãy sử dụng thông tin trong bài này và thử áp dụng nhé!

Tụi mình sẽ đưa ra chiến lược và công cụ bạn có thể dùng để giúp bạn đàm phán mức lương cao hơn. Trong hướng dẫn hôm nay, bạn sẽ đạt được 2 điều: chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một phần quan trọng của công ty và khả năng cải thiện cũng như ổn định tài chính trong tương lai.

Cần Chuẩn Bị Gì Trước khi Đàm Phán Lương?

Dưới đây là các bước quan trọng bạn cần thực hiện trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Khi đàm phán lương, bạn nên chuẩn bị mọi thứ cẩn thận. Hãy coi như bạn đang chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn.

Đầu tiên, hãy cố gắng xem lại những đóng góp của bạn cho công ty, đặc biệt nhấn mạnh kỹ năng và chuyên môn của bạn. Ví dụ, là một kỹ sư phần mềm, điều này có thể bao gồm việc tham gia các dự án thành công giúp tiết kiệm thời gian hoặc tiền bạc, hoặc có thể là việc dẫn dắt team xây dựng ứng dụng mới hoặc cải thiện những ứng dụng hiện tại. Đảm bảo danh sách thành tích của bạn rõ ràng và ngắn gọn - điều này sẽ rất hữu ích khi đến lúc bạn tự hào về bản thân.

Bước thứ hai, nghiên cứu xu hướng lương trong ngành - tính toán xem đối với bạn một mức lương hợp lý sẽ là bao nhiêu dựa trên kỹ năng và kinh nghiệm từ "bảng thành tích của bạn". Cân nhắc bất kỳ lý do phản đối nào công ty có thể đưa ra. Ví dụ nếu họ nói không đủ nguồn lực tài chính? Câu trả lời của bạn sẽ là gì? Luyện tập cách bạn sẽ đối phó với các tình huống như vậy.

Để tự tin hơn, bạn có thể kiểm tra trước mức lương thị trường từ NodeFlair.

Mức lương trung bình của Software Engineer tại Việt Nam dựa trên dữ liệu từ NodeFlair Salaries.

Cuối cùng, hãy chuẩn bị trước một "bảng thành tích" mà bạn có thể đưa cho công ty. Điều này sẽ chứng minh giá trị của bạn và làm nổi bật tại sao bạn xứng đáng nhận lương cao hơn một cách rõ ràng nhất.

Khi tất cả những bước trên đã được thực hiện, hãy luyện tập cách trình bày luận điểm của bạn một cách tự tin. Đừng ngần ngại bắt đầu cuộc trò chuyện đề nghị tăng lương nhé!

Nghiên Cứu Lương Cho Những Vị Trí Tương Tự

Đây là lúc bạn cần tìm hiểu mọi thứ chi tiết nhất để đàm phán tốt hơn! Bạn sẽ muốn những người cùng vị trí đang nhận được lương thế nào ở các công ty khác nhau. Từ đây, bạn sẽ tự quyết định được mức lương bạn nên đưa ra là bao nhiêu. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ làm rõ được với năng lực của bạn thì sẽ xứng đáng được trả thế nào đối với công ty.

Bạn có thể bắt đầu bằng cách nghiên cứu lương trên mạng. Sử dụng số liệu từ các cuộc khảo sát lương và các tin tuyển dụng hiện tại cho những vị trí tương tự. Ví dụ, nếu bạn là một Kỹ sư Phần mềm tầm trung (Junior Software Engineer) tại VNG ở Việt Nam, bạn có thể kiếm từ 11,384,500 đồng tới 30,000,000 đồng, với mức lương trung bình hàng tháng khoảng 19,419,408 đồng.

Khi nghiên cứu, bạn cần đảm bảo xem xét kĩ các khía cạnh kinh nghiệm, bằng cấp, quy mô công ty,…Những khía cạnh này sẽ ảnh hưởng tới mức lương của bạn bên cạnh mức trung bình trên thị trường. Từ đó, xác định một mức lương rõ ràng mà bạn mong muốn, với mức thấp nhất là con số bạn có thể chấp nhận được. Việc này sẽ giúp cuộc trò chuyện có mục đích rõ ràng, đàm phán tốt hơn và bản thân bạn sẽ tự tin hơn. Quan trọng nhất, khả năng thành công cao hơn và bạn không phải chấp nhận mức thấp hơn bản thân mong muốn.

Tạo Một Dàn Bài Thuyết Phục Để Đàm Phán Tăng Lương

Có thể bạn chưa biết điều này, nhưng việc xây dựng một dàn ý thuyết phục cho cuộc đàm phán lương của bạn là chìa khóa để đạt được kết quả mà bạn mong muốn. Quản lý của bạn sẽ không chỉ đưa ra quyết định dựa trên mối quan hệ của họ với bạn - họ muốn đảm bảo rằng đề xuất của bạn là hợp lý, công bằng và đáp ứng mong đợi của cả hai bên.

1. Đừng Đánh Giá Thấp Mối Quan Hệ Tốt

Bạn có nhận ra là người ta thường tuyển những người họ thích chứ không chỉ đơn thuần dựa vào kỹ năng và kinh nghiệm? Vậy nên, trong quá trình đàm phán, hãy nhấn mạnh mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp, quản lý và lý do tại sao bạn nghĩ bạn phù hợp với công việc này. Nghe rất giống khi bạn đi phỏng vấn đúng không? Thì đúng vậy mà. Mục đích của bạn đang mang mọi thứ ra chứng minh để có mức lương tốt hơn.

Tuy nhiên, những mối quan hệ này phải thực tế và hợp lý, được điều chỉnh một cách cụ thể để hỗ trợ lập luận của bạn về việc tăng lương. Chứng minh bạn hợp tác với team tốt thế nào, bạn hỗ trợ mọi người ra sao, bạn là một thành viên có giá trị đối với công ty hoặc đóng góp bạn đang mang lại. Đừng chỉ tập trung vào số lượng những mối quan hệ này mà còn phải để ý tới chất lượng nữa. Biết cân bằng cả 2 yếu tố này sẽ giúp bạn đạt được kết quả tích cực từ cuộc đàm phán.

2. Đưa Ra Ví Dụ Cụ Thể

Dành thời gian để giải thích tại sao bạn xứng đáng nhận lương cao hơn và đảm bảo rằng bạn đưa ra bằng chứng rõ ràng để hỗ trợ lập luận của bạn. Điều này có thể bao gồm các chi tiết như bạn đã đạt được thành tựu gì trong vị trí này, số giờ làm việc, hoặc bất kỳ kỹ năng bổ sung nào bạn đóng góp cho công việc.

Một cách để làm điều này là cung cấp ví dụ thật cụ thể. Xem thử nếu có ai đó ở công ty với kinh nghiệm tương tự mà đã có thể đàm phán thành công mức lương của họ hay không? Đưa ra số liệu và giải thích tại sao việc đó cũng nên được áp dụng trong trường hợp của bạn.

Tuy nhiên, sẽ rất khó để bạn biết được mức lương của đồng nghiệp nên đưa ra một con số cụ thể là rất khó. Thay vào đó, bạn có thể tham khảo thêm mức lương ở những vị trí tương tự thông qua NodeFlair hoặc tham khảo báo cáo lương của NodeFlair.

Dựa vào dữ liệu về lương đã được xác thực này, bạn sẽ tự tin hơn khi điều chỉnh mức lương mong muốn của mình và có điểm tham chiếu tốt khi xây dựng lập luận của bạn. Càng nhiều thông tin và số liệu cụ thể bạn cung cấp, lập luận của bạn càng chắc chắn.

3. Lập Luận Liên Quan Đến Mục Tiêu Công Ty

Hãy nghĩ tới mục tiêu của công ty bạn gần đây đã thay đổi thế nào so với khi bạn mới bắt đầu làm. Sau đó dẫn dắt tới việc có một mức lương xứng đáng sẽ tương ứng với hiệu suất tổng thể tốt hơn và kết quả rõ ràng. Điều này sẽ giúp cho lập luận của bạn mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, hãy thật khéo léo nhé!

4. Luyện Tập, Luyện Tập và Luyện Tập!

Cho dù bạn có chuẩn bị những bước trên tốt thế nào mà không luyện tập đầy đủ thì kết quả sẽ không như ý. Hãy nhớ luyện tập những gì bạn dự định nói trước khi tham gia vào cuộc họp đàm phán lương. Lưu ý rằng cách thể hiện cũng rất quan trọng - hãy đảm bảo thể hiện sự tự tin và chuyên nghiệp trong suốt quá trình này! Nói chậm rãi cũng được nhưng phải trôi chảy, tự tin và thuyết phục.

Bố Cục Một Cuộc Đàm Phán Lương Thực Tế

Sau khi bạn đã thực hiện nghiên cứu và chuẩn bị rất nhiều thông tin, một cuộc đàm phán lương thực tế nên diễn ra theo thứ tự sau.

1. Đặt Yêu Cầu Của Bạn Một Cách Rõ Ràng

Hãy rõ ràng và ngắn gọn khi đưa ra yêu cầu của bạn: “Tôi muốn thảo luận về mức lương hiện tại của tôi và cách tôi có thể đóng góp thêm giá trị...” thường thì hiệu quả hơn là việc mới vào họp đã yêu cầu tăng lương đột ngột.

Bạn cũng nên nói rõ rằng mức lương tăng lên này sẽ có mục đích gì - bạn đang nghĩ về việc đã, đang hoặc sẽ nhận thêm việc/trách nhiệm hay chỉ đơn giản là bạn muốn tăng mức lương cơ bản lên.

2. Cuộc Đàm Phán Nên Bao Gồm Một Khoảng Lương Nhất Định Để Trình Bày Cho Nhà Tuyển Dụng

Như đã đề cập trước đó, việc bạn chuẩn bị trước một khoảng lương nhất định là quan trọng trước khi bắt đầu cuộc đàm phán.

Hãy thẳng thắn nêu ra mức lương mong muốn dựa trên kinh nghiệm/bằng cấp của bản thân bạn và mặt bằng chung thị trường. Có một con số cụ thể và lập luận rằng bạn xứng đáng sẽ giúp bạn có cơ hội đạt được thoả thuận tốt hơn. Mặc dù bạn sẽ phải nghiên cứu thật kĩ lưỡng nhưng kết quả chắc chắn sẽ rất xứng đáng.

3. Làm Theo Kịch Bản Chuẩn Bị Sẵn Để Xin Tăng Lương

Ngoài 2 phần mở đầu như ở trên thì bạn nên có sẵn một đoạn để nêu những mong muốn và luận điểm của bạn ngay từ đầu. Mục đích để bạn và Người Quản Lý đều hiểu được bao quát đề nghị và lý do của bạn.

Bên cạnh đó, việc nêu tất cả những ý chính ban đầu sẽ giúp bạn không sót ý, không bị người khác làm gián đoạn và phần sau của cuộc đàm phán sẽ chỉ tập trung vào việc trao đổi thêm giữa hai bên,

Dưới đây là một đoạn mẫu mà bạn có thể sử dụng ngay từ đầu. Lưu ý đây là ví dụ cho một Kỹ Sư Phần Mềm (Software Engineer). Bạn hãy thay đổi vị trí và ý chính theo trường hợp của cá nhân bạn nhé!

"Tôi đã làm việc tại [Công ty] trong khoảng thời gian [thời gian cụ thể] và tôi rất mong muốn thảo luận về mức lương của mình. Trong thời gian làm việc ở đây, tôi đã tích luỹ được kiến thức quý báu và phát triển như một kỹ sư phần mềm. Ngoài ra, tôi cũng đang làm việc vượt quá mong đợi và tôi tự tin rằng tôi có thể tiếp tục mang lại giá trị lớn cho công ty.
Vì vậy, tôi hy vọng mình có thể nhận được một mức lương phản ánh năng lực và số lượng công việc tôi một cách hợp lý. Tôi mong muốn được điều chỉnh mức lương của mình thành [số tiền lương] mỗi năm. Tôi đưa ra con số này sau khi cân nhắc giữa kinh nghiệm, năng lực của bản thân và tìm hiểu mức lương thị trường cho Kỹ Sư Phần Mềm (Software Engineer) ở Việt Nam theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, bao gồm cả Báo Cáo Lương của NodeFlair.
Liệu chúng ta có thể thảo luận chi tiết hơn về vấn đề này không?"

4. Dành Thời Gian Để Lắng Nghe Phản Hồi

Sau khi đưa ra mong muốn của mình, bạn nên để sếp của bạn có thời gian để suy nghĩ về yêu cầu của bạn và đề xuất giải pháp. Vì thế, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần đàm phán qua lại trước khi đạt được thoả thuận. Sếp sẽ có thể đưa ra những ý kiến phản đối. Tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị trước cách thuyết phục cho những trường hợp này như ở bên dưới.

Trong quá trình này, hãy giữ một tâm lý tích cực và lắng nghe ý kiến của sếp bạn. Đây là mấu chốt quan trọng khi đàm phán về lương vì nó cho thấy bạn tôn trọng ý kiến của họ. Nó cũng khiến họ cảm thấy họ là một phần của quá trình đưa ra quyết định này. Và từ đó, có thể họ sẽ có một giải pháp tích cực hơn cho bạn.

Những Lý Do Phản Đối Thường Gặp Khi Đàm Phán Về Tăng Lương

Khi yêu cầu tăng lương, việc chuẩn bị để đối đáp ý kiến phản đối từ quản lý của bạn là rất quan trọng và sẽ quyết định thành công của cuộc đàm phán.

Dưới đây là một số lý do phản đối phổ biến với việc tăng lương và cách bạn có thể chuẩn bị đối đáp cho hợp lý. Lưu ý hãy luôn bình tĩnh và tôn trọng đối phương.

1. "Công ty không có nguồn lực tài chính cho việc tăng lương vào thời điểm này."

"Cảm ơn anh/chị đã xem xét yêu cầu của tôi về việc tăng lương. Tôi hiểu rằng nguồn lực tài chính của công ty có thể hạn chế, nhưng tôi muốn thảo luận về khả năng tăng lương dựa trên đóng góp của mình cho công ty.
Chúng ta có thể xem xét các giải pháp thay thế như thưởng theo hiệu suất hoặc các phúc lợi bổ sung khác không? Tôi tin rằng hiệu suất và thành tích của tôi chứng minh rằng tôi là một tài sản cho công ty và tôi muốn có một mức lương tương xứng."

2. "Bạn chưa làm việc ở công ty đủ lâu để có thể nhận mức lương cao hơn."

"Tôi hiểu rằng thời gian làm việc là một yếu tố quan trọng trong việc xem xét tăng lương, nhưng tôi đã đảm nhận các trách nhiệm đáng kể và đóng góp giá trị cho công ty trong thời gian ngắn.
Ví dụ, tôi đã hoàn thành dự án XYZ sớm hơn thời gian dự kiến và tiết kiệm chi phí đáng kể cho công ty. Tôi tin rằng những thành tựu và tiềm năng của tôi xứng đáng với việc tăng lương này."

3. "Mức lương hiện tại của bạn đã ở mức tiêu chuẩn của ngành này."

"Tôi rất cảm kích khi mức lương hiện tại của tôi đã nằm trong chuẩn mực của thị trường, nhưng tôi đã nghiên cứu kĩ và thấy rằng những người có vị trí và trách nhiệm tương tự đang nhận mức lương cao hơn.
Ngoài ra, tôi đã đảm nhận thêm các trách nhiệm khác và đạt được những kết quả đáng kể mà tôi tin rằng mình xứng đáng với mức lương cao hơn. Ví dụ, tôi đã tăng doanh số bán hàng lên 20% trong quý vừa qua, điều này đã đóng góp vào sự phát triển và thành công của công ty.Tôi tin rằng những đóng góp và thành tích của tôi xứng đáng với mức lương cao hơn."

Nếu Không Được Tăng Lương, Hãy Đàm Phán Thêm Các Điều Kiện Khác

Việc một cuộc đàm phán không có kết quả như mong đợi của bạn là điều hoàn toàn hiểu được (và bạn nên chuẩn bị tinh thần cho việc này). Tuy nhiên, đừng cứ vậy ôm thất vọng mà hãy dùng cơ hội này để đàm phán những điều kiện khác để đảm bảo công sức làm việc của bạn được đền đáp xứng đáng.

1. Được Linh Hoạt Giờ Giấc và Cân Bằng Cuộc Sống Tốt Hơn

Bạn có thể yêu cầu sự linh hoạt cao hơn về giờ giấc khi làm việc hoặc cải thiện cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Đàm phán không nhất thiết phải về tiền bạc - nó có thể là điều gì đó đơn giản như đàm phán lại giờ làm việc của bạn để phù hợp hơn với lối sống, ưu tiên trong cuộc sống hoặc được chủ động quyết định vị trí, thời gian làm việc của bản thân (Làm hybrid, remote…).

2. Thưởng Bổ Sung

Việc đề xuất về mức thưởng bổ sung, cổ phiếu khá phổ biến khi bạn không đạt được thoả thuận tăng lương. Vì vậy, đừng bỏ lỡ cơ hội mà hãy thoải mái đưa ra yêu cầu này. Hãy nói chuyện với quản lý của bạn và xem xét các loại thưởng bổ sung nào bạn có thể nhận được!

3. Yêu Cầu Một Cuộc Họp Khác

Bạn có thể yêu cầu một cuộc họp với quản lý của bạn để xem xét lại vấn đề sau một khoảng thời gian nhất định đã trôi qua. Cho dù đã là ba tháng, sáu tháng hay một năm, vẫn đáng thử lại sau khi chứng minh được giá trị của mình đối với công ty. Nếu cống hiến của bạn có tiềm năng cho sự phát triển của công ty, quản lý của bạn có thể xem xét lại yêu cầu tăng lương của bạn.

4. Yêu Cầu Khoản Lương Giao Động Hoặc Chức Danh Mới

Một lựa chọn khác là yêu cầu trả lương tuỳ vào trách nhiệm bạn nhận thêm hoặc thậm chí là một chức danh mới. Điều này sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại công việc bạn làm và giá trị bạn mang lại cho đội ngũ, nhưng đó có thể là điều đáng thảo luận với quản lý của bạn nếu họ chưa sẵn lòng tăng lương cho bạn.

5. Cơ Hội Phát Triển

Cuối cùng, đàm phán về các cơ hội phát triển như các chương trình học tập hay vị trí quản lý cũng có thể là một lựa chọn.

Nếu việc thăng tiến không khả thi trong thời điểm hiện tại, hỏi xem có cách nào khác cho bạn để phát triển trong công ty không - bạn cũng có thể xem xét các lựa chọn ngoài công việc hiện tại như các nhiệm vụ nghiên cứu, tham gia các nhóm, các dự án để học hỏi và phát triển hơn nữa.

Điều này không chỉ giúp bạn tiến xa trong sự nghiệp mà còn chứng minh sự tận tâm đối với công ty, mà không cần tăng lương.

Kết Luận - Quan Trọng Nhất Là Bạn Phải Biết Bản Thân Mình Đáng Giá Bao Nhiêu

Yêu cầu tăng lương không phải là một công việc dễ dàng, nhưng nó là một công việc hoàn toàn cần thiết để xây dựng tương lai của bạn và tiến xa hơn trong sự nghiệp. Với những gợi ý ở trên, bạn có thể tự tin bắt đầu cuộc trò chuyện với quản lý của bạn, và nhớ chuẩn bị thật cẩn thận những thông tin/luận điểm quan trọng nhé!

Vì vậy, đừng nghĩ quá nhiều để rồi chần chừ, sợ hãi. Hãy tự tin, tìm hiểu thật kĩ và đặt vấn đề với quản lý của bạn. Với thái độ và tư duy đúng đắn, bạn chắc chắn sẽ thành công.

Để hiểu thêm về xu hướng lương những năm gần đây và có một cuộc đàm phán tốt hơn, bạn có thể xem Báo Cáo Lương Ngành Công Nghệ mới nhất của NodeFlair.

Tìm hiểu thêm Bí Quyết Phát Triển Sự Nghiệp ở đây nha!

Related Articles