Đừng Làm Mất Lòng Nhà Tuyển Dụng Khi Từ Chối Offer

|

Đã bao giờ bạn quyết định từ chối một offer từ nhà tuyển dụng? Chỉ tưởng tượng thôi đã thấy khó khăn lắm rồi vì dù từ chối thì bạn cũng muốn giữ một mối quan hệ tốt với họ vì biết đâu họ sẽ mang tới cơ hội tốt hơn cho bạn sau này?

Vậy nên từ chối thế nào? Làm sao để từ chối khéo léo trong nhiều trường hợp khác nhau? Làm sao để không phá hỏng mối quan hệ với Nhà Tuyển Dụng?

Trong bài viết này, mình sẽ nói về những điều nên và không nên khi từ chối một cơ hội - với những ví dụ hữu ích để bạn có thể giữ vững mục tiêu sự nghiệp mà vẫn tôn trọng đối tác tuyển dụng nha!

Tóm Tắt

  • Để giữ một hình ảnh chuyên nghiệp và tạo thêm cơ hội hợp tác trong tương lai, bạn không bao giờ nên phá hỏng các mối quan hệ với Nhà Tuyển Dụng.
  • Bày tỏ lòng cảm kích khi được nhận offer.
  • Giải thích lý do từ chối một cách lịch sự.
  • Bày tỏ mong muốn giữ liên lạc.
  • Kết thúc bằng một lời cảm ơn đơn giản.

Vì sao Bạn Không Nên Phá Hỏng Các Mối Quan Hệ Khi Từ Chối Một Cơ Hội?

Mặc dù việc nhận được một cơ hội việc làm là điều đáng mừng, nhưng có những trường hợp mà cơ hội này có thể không phù hợp, chẳng hạn như nếu mức lương thấp hơn mong đợi và mức lương thị trường sau khi kiểm tra trên NodeFlair Salaries.

Khi từ chối một cơ hội, việc phá hỏng các mối quan hệ với HR chắc chắn không phải là lựa chọn tốt. Dưới đây là lý do:

  • Bạn không muốn để lại mối quan hệ tiêu cực vì biết đâu sau này bạn muốn tìm kiếm cơ hội với họ. Dù cho bạn quyết định rằng công ty đó không phải là nơi phù hợp với bạn lúc này — nhưng thời gian có thể làm thay đổi mọi thứ trong tương lai. Việc để lại một ấn tượng và trải nghiệm tốt có thể sẽ mở đường cho một cơ hội tốt hơn với công ty này trong tương lai. Vì vậy việc dành thêm vài phút để gửi một lời từ chối lịch sự có thể đem lại lợi ích rất nhiều.
  • Ngành công nghệ thông tin nhỏ hơn bạn nghĩ, và trong giới tuyển dụng thì tin đồn có thể truyền rất nhanh. Bạn không muốn lời từ chối làm việc của bạn ảnh hưởng tới uy tín của bản thân và cơ hội được tuyển dụng tại các công ty khác hay những dự án trong tương lại. Vậy nên việc giữ lịch sự khi nói ra lời từ chối sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Đây là những phẩm chất mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở mọi ứng viên!

1. Thể Hiện Sự Cảm Kích Về Cơ Hội Được Mời Làm Việc

Khi từ chối một cơ hội việc làm, việc giữ tinh thần chuyên nghiệp và trân trọng thời gian và công sức của đội ngũ tuyển dụng là rất quan trọng. Việc thể hiện lòng biết ơn có thể giúp bạn tiến xa trong việc xây dựng mối quan hệ và tạo cơ hội cho việc kết nối lại trong tương lai.

"Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành về cơ hội việc làm mà tôi đã nhận được cho vị trí [Chức Vụ] tại [Tên Công Ty]. Tôi thật sự cảm kích vì đã được xem xét cho cơ hội này và tôi muốn cảm ơn thời gian và công sức mà anh/chị và toàn bộ đội ngũ tuyển dụng đã dành cho tôi trong quá trình phỏng vấn."

2. Giải Thích Lý Do Từ Chối Một Cách Lịch Sự

Việc từ chối một cơ hội việc làm có thể là một việc không dễ dàng, nhưng điều quan trọng là bạn cần đảm bảo mình sẽ từ chối một cách lịch sự và tôn trọng. Dưới đây là một số gợi ý cho bố cục trả lời:

  • Diễn giải rõ lý do bạn từ chối cơ hội này. Bạn nên trung thực và thẳng thắn, miễn là bạn giữ câu trả lời của mình thật chuyên nghiệp và lịch sự.
  • Bạn không cần cung cấp tất cả các chi tiết về lý do bạn từ chối, nhưng hãy cố gắng cung cấp đủ thông tin để họ hiểu quyết định của bạn.
  • Tránh quá tiêu cực về công ty hoặc vị trí — ngay cả khi lý do bạn từ chối liên quan đến cách bạn được đối xử không tốt trong quá trình phỏng vấn hoặc những điều được thảo luận trong thư mời việc làm khiến bạn không hài lòng.

Hãy luôn nhớ bạn không chỉ cần thể hiện sự tôn trọng cho tất cả mọi người đã tham gia vào quá trình ứng tuyển mà còn cần tạo dụng một hình ảnh chuyên nghiệp để mở rộng cơ hội cho bản thân trong tương lai.

Dưới đây là một số ví dụ để bạn có thể trả lời một cách trung thực nhưng vẫn khéo léo:

a. Lương thấp hơn mong đợi

Quyết định này chủ yếu xuất phát từ khía cạnh tài chính. Sau khi đánh giá kỹ về tình hình hiện tại, kinh nghiệm chuyên môn của tôi và nghiên cứu thị trường, tôi nhận thấy rằng mức lương được đề xuất thấp hơn so với mong muốn của tôi. Đối với tôi, việc điều chỉnh mức lương để cân bằng với trình độ chuyên môn và giá trị mà tôi có thể đem lại cho tổ chức là rất quan trọng.

b. Có một cơ hội việc làm khác

Bên cạnh cơ hội làm việc này, tôi cũng nhận được một lời mời làm việc khác phù hợp hơn với mục tiêu sự nghiệp và mục tiêu cá nhân. Sau khi xem xét cẩn thận giữa hai cơ hội, tôi đã đi tới kết luận rằng cơ hội còn lại là lựa chọn tốt nhất cho tôi ở giai đoạn hiện tại trong sự nghiệp của mình.

c. Không phù hợp với trách nhiệm công việc

Sau khi cân nhắc cẩn thận, tôi nhận thấy có sự không phù hợp giữa mục tiêu sự nghiệp của tôi và các trách nhiệm công việc cụ thể liên quan đến vị trí [Chức Danh Công Việc]. Mặc dù tôi thực sự đề cao cam kết của [Tên Công Ty] với [khía cạnh cụ thể], tôi tin rằng một cơ hội khác có thể phù hợp hơn với mục tiêu dài hạn và lĩnh vực chuyên môn của tôi.

d. Hình ảnh và đánh giá về công ty không tốt

Sau khi tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu thêm thông tin, tôi tìm thấy một số đánh giá từ nhân viên về công ty. Những đánh giá này, không may, đã cho tôi thấy nhân viên có xu hướng không hài lòng với môi trường và việc này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm làm việc của tôi trong tương lai. Do đó, tôi đã đưa ra quyết định khó khăn rằng điều này không phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của tôi vào thời điểm này.

3. Yêu Cầu Giữ Liên Lạc

Sau khi đã trung thực bày tỏ lý do thì bạn hoàn toàn có thể tạo khả năng giữ liên lạc với công ty. Bạn có thể cân nhắc cách dưới đây:

Mặc dù tôi không thể chấp nhận vị trí này vào lúc này, nhưng tôi sẽ rất cảm kích nếu chúng ta tiếp tục giữ liên lạc và có khả năng hợp tác trong tương lai. Tôi biết ơn mối quan hệ mà tôi đã xây dựng trong quá trình phỏng vấn và tôi thật sự quan tâm đến những thành tựu mà [Tên Công Ty] đã đạt được. Nếu có bất kỳ vị trí hoặc dự án nào trong tương lai phù hợp với giá trị và kỹ năng của tôi, tôi rất hy vọng có thể cân nhắc những cơ hội đó.

4. Đưa Ra Lời Cảm Ơn Mấu Chốt

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, bạn có thể kết thúc email của mình bằng một lời cảm ơn đơn giản - điều này giúp duy trì mối quan hệ tốt với công ty.

Một lần nữa, tôi chân thành cảm ơn đội ngũ tuyển dụng vì đã cân nhắc tôi cho vị trí này. Tôi muốn gửi lời chúc tốt đẹp đến anh/chị và toàn bộ đội ngũ tại [Tên Công Ty]. Mong [Tên Công Ty] sẽ tiếp tục thành công trong tương lai. Tôi thực sự trân trọng cơ hội được tham gia vào quá trình phỏng vấn và rất biết ơn vì những thông tin quý báu mà tôi đã nhận được.

Mẫu Email Hoàn Chỉnh để Từ Chối Một Cơ Hội Việc Làm

Chào [Tên Người Quản Lý],
Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành về cơ hội gia nhập [Tên Công Ty]. Tôi muốn cảm ơn thời gian và công sức mà anh/chị và toàn bộ đội ngũ tuyển dụng đã dành cho tôi trong quá trình phỏng vấn.
Sau cuộc trao đổi với anh/chị, tôi nhận được một cơ hội việc làm khác phù hợp hơn với mục tiêu sự nghiệp và mục tiêu cá nhân của mình. Sau khi xem xét cẩn thận giữa hai cơ hội, tôi đã đưa ra quyết định rằng cơ hội còn lại là lựa chọn tốt nhất cho tôi ở giai đoạn hiện tại của sự nghiệp của mình.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng quyết định này đã được suy xét cẩn thận và tôi vô cùng đề cao các mục tiêu và thành tựu của tổ chức của anh/chị. Mặc dù hiện tại tôi không thể nhận lời mời làm việc cho vị trí này, nhưng tôi sẽ rất vinh dự nếu chúng ta tiếp tục giữ liên lạc và có khả năng hợp tác trong tương lai.
Tôi đánh giá cao các mối quan hệ mà tôi đã xây dựng qua quá trình phỏng vấn và tôi thật sự quan tâm đến sự thành công liên tục của [Tên Công Ty]. Nếu có bất kỳ vị trí hoặc dự án nào trong tương lai phù hợp với giá trị và kỹ năng của tôi, tôi sẽ rất muốn được cân nhắc những khả năng đó.
Một lần nữa, cảm ơn anh/chị đã tin tưởng vào năng lực của tôi và cơ hội được cân nhắc cho vị trí [Chức Vụ] tại [Tên Công Ty].
Chúc anh/chị và toàn bộ đội ngũ tại [Tên Công Ty] tiếp tục thành công.
Trân trọng,[Tên Của Bạn]

Xem thêm những bí quyết khác cho sự nghiệp của bạn tại đây!

Related Articles